Giải đáp kiến nghị trong việc thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT

Ngày 13 tháng 5 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT (sau đây gọi là Nghị định số 40/2019/NĐ-CP); Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (sau đây gọi là Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT). Trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị của địa phương và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua liên quan đến việc triển khai hai văn bản nêu trên, Tổng cục Môi trường giải đáp các nội dung có liên quan của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT như sau:

A. NHÓM Ý KIẾN VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG (ĐTM), KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (KBM)

Danh mục Nội dung chính

I. Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM; xác nhận đăng ký KBM

1.Về thời điểm trình và nội dung báo cáo ĐTM

Câu hỏi 1: Điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) quy định đối với dự án đầu tư xây dựng, chủ dự án trình báo cáo ĐTM trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước). Quy định này gặp khó khăn trong triển khai thực hiện do thời điểm này báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật của dự án đầu tư chưa có và chưa được thẩm định và cũng không có cơ sở để xác định thời điểm chủ dự án trình báo cáo ĐTM là đã thực hiện các công việc nêu trên hay chưa? Đồng thời, tại điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) cũng quy định đối với các dự án khác không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b, c Khoản này, chủ dự án trình báo cáo ĐTM trước khi quyết định đầu tư dự án. Vậy ai là người quyết định đầu tư dự án (cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp)? Trả lời: Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng quy định tất cả các dự án đầu tư xây dựng đều phải lập, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật, trong đó có phần thuyết minh và phần thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công). Thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công (trong đó có công trình bảo vệ môi trường) đều được cơ quan nhà nước về xây dựng thẩm định, trong khi đó nếu nội dung báo cáo ĐTM không quy định thiết kế cơ sở của công trình bảo vệ môi trường (BVMT) là chưa phù hợp. Do vậy, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định cụ thể về thời điểm trình báo cáo ĐTM và quy định nội dung báo cáo ĐTM phải có phần thuyết minh về thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với công trình BVMT để đảm bảo đồng bộ giữa pháp luật về BVMT với pháp luật khác có liên quan trong tiến trình lập, thực hiện một dự án đầu tư xây dựng. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP không quy định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công công trình BVMT trong hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM phải là thiết kế đã được cơ quan nhà nước về xây dựng thẩm định; mà chỉ quy định báo cáo ĐTM phải được trình thẩm định trước khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước) để bảo đảm các công trình BVMT được thẩm định thiết kế xây dựng đáp ứng các yêu cầu chủ dự án đã cam kết trong báo cáo ĐTM. Thẩm quyền quyết định đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Câu hỏi 2: Báo cáo ĐTM được hiểu là trình trước hay sau thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500? Trả lời: Pháp luật về BVMT không quy định thời điểm trình báo cáo ĐTM trước hay sau thời điểm thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng. Câu hỏi 3: Đề nghị hướng dẫn mức độ chi tiết phần thuyết minh và phương án thiết kế cơ sở hoặc phương án thiết kế bản vẽ thi công trong nội dung báo cáo ĐTM. Đối với 3 đợt khảo sát phải thực hiện là của 3 ngày khác nhau hay trong 1 ngày thực hiện cả 3 đợt hoặc thời điểm nào? Trả lời: Về mức độ chi tiết phần thuyết minh và phương án thiết kế cơ sở hoặc phương án thiết kế bản vẽ thi công các công trình BVMT của dự án đã được quy định tại mẫu số 4 Phụ lục VI Mục I của Phụ lục Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và mẫu số 4 Phụ lục I của Phụ lục Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT. Chủ dự án khi lập báo cáo ĐTM chỉ cần đưa phần thuyết minh kèm theo thiết kế của các công trình BVMT trong tổng thể nội dung thuyết minh kèm theo thiết kế các công trình của dự án đầu tư xây dựng thuộc báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật của dự án. Về thời điểm thực hiện 3 đợt khảo sát: chủ dự án tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về kết quả này, đảm bảo kết quả khảo sát đủ cơ sở để đánh giá hiện trạng các thành phần môi trường khu vực dự kiến thực hiện dự án và sự phù hợp của địa điểm lựa chọn. Câu hỏi 4: Trường hợp 01 dự án đầu tư thực hiện tại 02 địa điểm tách biệt, quy mô công suất tách biệt thì có thể lập 02 báo cáo ĐTM tương ứng với quy mô dự án tại từng địa điểm không? Đề nghị hướng dẫn giải quyết thủ tục doanh nghiệp lập thủ tục môi trường với mục tiêu sản xuất ít hơn hoặc với công suất nhỏ hơn các nội dung đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp và các trường hợp lập báo cáo ĐTM có phân kỳ thực hiện dự án nhưng giấy chứng nhận đầu tư không phân kỳ thực hiện dự án. Trả lời: Điều 18 và Điều 19 Luật BVMT quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM là dự án; kết quả thực hiện ĐTM thể hiện dưới hình thức báo cáo ĐTM. Trên cơ sở đó, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) đã quy định “một dự án đầu tư chỉ lập một báo cáo ĐTM”. Do vậy, 01 dự án đầu tư (kể cả dự án thực hiện tại nhiều địa điểm) thì lập 01 báo cáo ĐTM. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 50 Luật Xây dựng có quy định: “Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần trong đó mỗi dự án thành phần có thể vận hành độc lập, khai thác sử dụng hoặc được phân kỳ đầu tư để thực hiện thì dự án thành phần được quản lý thực hiện như một dự án độc lập. Việc phân chia dự án thành phần hoặc phân kỳ đầu tư phải được quy định trong nội dung quyết định đầu tư”. Trong trường hợp dự án đáp ứng quy định này, chủ dự án có thể lập các báo cáo ĐTM riêng cho từng dự án thành phần hoặc từng phân kỳ đầu tư của dự án.

2. Về đánh giá sự phù hợp quy hoạch của dự án, cơ sở; đánh giá sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án

Câu hỏi 5: Đề nghị hướng dẫn nội dung “dự án, cơ sở phù hợp quy hoạch” tại Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 40/2015/NĐ-CP). Trả lời: Theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công và xây dựng, căn cứ để triển khai thực hiện 01 dự án đầu tư đều có yêu cầu đánh giá sự phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể:
  • Đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng: các quy hoạch làm căn cứ thực hiện triển khai dự án được quy định cụ thể tại Điều 51 Luật Xây dựng, gồm: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch phát triển ngành (hầu hết các quy hoạch này đã hết hiệu lực theo quy định của Luật Quy hoạch); quy hoạch xây dựng; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại địa phương nơi có dự án đầu tư xây dựng.
  • Đối với dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng: các quy hoạch làm căn cứ thực hiện triển khai dự án được quy định cụ thể theo pháp luật về đầu tư, đầu tư công, bao gồm: quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất.
Do vậy, yêu cầu về sự phù hợp quy hoạch là việc đánh giá địa điểm hoạt động của cơ sở hoặc địa điểm đã thực hiện dự án có phù hợp với các quy hoạch nêu trên hay không. Câu hỏi 6: Đề nghị hướng dẫn việc đánh giá “sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án” trong nội dung thẩm định báo cáo ĐTM. Trả lời: Việc đánh giá “sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án” trong nội dung thẩm định báo cáo ĐTM đó là cần đánh giá địa điểm của dự án có phù hợp với quy hoạch có liên quan hay không (ví dụ, vị trí dự án nhà máy nhiệt điện có phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia không).

3. Về danh mục đối tượng lập báo cáo ĐTM, KBM

Câu hỏi 7: Đề nghị hướng dẫn cụ thể việc xác định các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng thực hiện ĐTM hoặc KBM do một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (theo ngành kinh tế Việt Nam) không trùng với các danh mục đối tượng phải thực hiện ĐTM như: sang chiết, đóng chai, lắp ghép thiết bị điện tử, sử dụng phụ phẩm từ chế biến thủy sản, năng lượng mặt trời, sóng biển, bọt chữa cháy, vật liệu phủ cho nội, ngoại thất ô tô,… Trả lời: Danh mục đối tượng phải thực hiện ĐTM hoặc đăng ký xác nhận KBM tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về cơ bản được kế thừa danh mục tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và dựa trên cơ sở Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng tên các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, BVMT và các lĩnh vực khác chưa hoàn toàn đồng nhất. Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ tham mưu Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà s犀利士 oát, chuẩn hóa và đồng nhất danh mục tên các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn có quy định về tên gọi khác nhau tại các pháp luật chuyên ngành để thống nhất tên gọi trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

4. Về kinh phí phục vụ hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM đối với hình thức thẩm định thông qua lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan

Câu hỏi 8: Hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM đối với hình thức thẩm định thông qua lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan được chi từ nguồn nào? Mức chi là bao nhiêu? Trả lời: Kinh phí phục vụ hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM được quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, trong đó mức chi được Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định (hiện được thực hiện theo Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường). Hiện nay, Bộ TN&MT đã đề xuất với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư nêu trên cho phù hợp với quy định hiện hành.

5. Về ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, xác nhận KBM cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế

Câu hỏi 9: Đề nghị hướng dẫn cụ thể việc UBND các cấp ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM hoặc xác nhận KBM. Trả lời:
  • Điều 23 Luật BVMT quy định thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, gồm: Bộ TN&MT; Bộ, cơ quan ngang bộ; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Điều 32 Luật BVMT quy định thẩm quyền xác nhận KBM, gồm: Cơ quan chuyên môn về BVMT thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện (có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trên địa bàn một xã).
  • Điều 65 và Điều 66 Luật BVMT quy định trách nhiệm của Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp là “phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động về BVMT; báo cáo về hoạt động BVMT tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Luật BVMT hiện hành không quy định về việc ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, Ban quản lý khu kinh tế tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM hoặc xác nhận KBM. Do đó, Bộ TN&MT không có căn cứ để hướng dẫn vấn đề này trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

6. Về áp dụng hệ số Kf và Kp trong Giấy xác nhận KBM

Câu hỏi 10: Tại mẫu Giấy xác nhận KBM quy định ghi rõ “bảo đảm nước thải, khí thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (ghi rõ các quy chuẩn với các hệ số lưu lượng, nguồn tiếp nhận, vùng phát thải…)”. Tuy nhiên, giai đoạn lập KBM được thực hiện trước khi dự án đi vào hoạt động, lưu lượng xả thải mới chỉ là dự kiến và thực tế có thể thay đổi trong quá trình hoạt động. Do đó, nếu ghi hệ số Kf và Kp vào giấy xác nhận đăng ký KBM thì có thể gây khó khăn trong quá trình thanh, kiểm tra cơ sở do lưu lượng xả thải thực tế có thể khác so với lưu lượng xả thải dự kiến. Đề nghị trong giấy xác nhận đăng ký KBM chỉ ghi quy chuẩn kỹ thuật về chất thải với cột áp dụng, hệ số nguồn tiếp nhận, vùng phát thải, không ghi hệ số lưu lượng. Trả lời: Hệ số lưu lượng nước thải (Kf) và hệ số lưu lượng khí thải (Kp) liên quan đến quy mô, công suất của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, là một trong các thông tin quan trọng để quản lý môi trường khi dự án/phương án đi vào hoạt động, là căn cứ để xác định chủ dự án phải lập ĐTM hay KBM. Do vậy, các thông tin này phải được thể hiện trong hồ sơ đăng ký KBM của dự án/phương án. Việc xác định hệ số Kf trong quá trình thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành và hồ sơ pháp lý về môi trường của cơ sở; một số trường hợp đặc thù (như xả trộm nước thải, phân kỳ đầu tư hệ thống xử lý nước thải) được xác định theo lưu lượng xả nước thải thực tế tại thời điểm thanh tra, kiểm tra.

II. Về thực hiện báo cáo ĐTM, KBM

1. Về thủ tục chấp thuận về môi trường

Câu hỏi 11: Đối với các dự án đã đi vào hoạt động, cụ thể là các khu công nghiệp đã hoàn thành giai đoạn xây dựng và đi vào vận hành thì có thuộc đối tượng được đề nghị lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề nghị thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay không hay thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM theo mục 105 Phụ lục số 2. Trả lời: Quy định về lập lại báo cáo ĐTM chỉ áp dụng đối với trường hợp dự án chưa đi vào vận hành; quy định về thủ tục chấp thuận về môi trường chỉ áp dụng đối với các dự án đang trong quá trình triển khai xây dựng. Do vậy, đối với cơ sở, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thì không áp dụng các quy định này. Khi có các thay đổi so với nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt thì tùy vào trường hợp cụ thể mà thực hiện như sau:
  • Đối với cơ sở, khu công nghiệp đã được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT mà có thay đổi về công trình BVMT (trừ trường hợp thay đổi công nghệ xử lý chất thải) đã được xác nhận thì thực hiện lập hồ sơ xác nhận lại công trình BVMT theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP;
  • Đối với cơ sở đang hoạt động mà đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ (sản xuất, xử lý chất thải); đối với khu công nghiệp đang hoạt động mà mở rộng quy mô hoặc thay đổi loại hình sản xuất thu hút đầu tư thì thực hiện lập báo cáo ĐTM cho dự án này theo quy định tại số thứ tự 105 Phụ lục II mục I Nghị định số 18/2015/NĐ-CP;
  • Đối với những thay đổi khác, chủ cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm, bảo đảm tuân thủ các quy định về kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và BVMT; đồng thời phải thực hiện theo các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Câu hỏi 12: Đối với các thay đổi khác so với ĐTM nhưng không phải là tăng quy mô, công suất hay thay đổi công nghệ thì chủ dự án tự xem xét, quyết định, chịu trách nhiệm. Đề nghị hướng dẫn xử lý đối với các tình huống xảy ra như sau:
  • Chủ dự án thuộc đối tượng kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT: với những thay đổi khác thì trong trường hợp Sở TN&MT kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra công trình BVMT để vận hành thử nghiệm sẽ gặp khó khăn do việc kiểm tra là thực hiện theo báo cáo ĐTM do UBND cấp tỉnh hoặc các bộ, ngành nhưng những thay đổi chưa có ý kiến của cơ quan phê duyệt ĐTM nên Sở TN&MT sẽ không có căn cứ để ra thông báo chấp thuận vận hành thử nghiệm.
  • Chủ dự án không thuộc đối tượng kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT: nếu có những thay đổi so với ĐTM được phê duyệt thì chủ dự án có bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP với hành vi thực hiện không đúng nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt?

Trả lời:

Đối với các thay đổi khác so với ĐTM nhưng không phải là tăng quy mô, công suất hay thay đổi công nghệ, trong quá trình kiểm tra ra thông báo chấp thuận vận hành thử nghiệm, Sở TN&MT căn cứ vào hiện trạng công trình BVMT cho phép cơ sở đi vào vận hành thử nghiệm nếu không thuộc trường hợp phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan phê duyệt ĐTM hoặc thuộc trường hợp lập lại ĐTM. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đang được Bộ TN&MT trình Chính phủ để sửa đổi phù hợp với các quy định mới của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Theo đó, những thay đổi so với ĐTM được phê duyệt mà không thuộc trường hợp phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan phê duyệt ĐTM hoặc lập lại ĐTM hoặc theo hướng tốt hơn cho môi trường thì không bị coi là hành vi vi phạm.

2. Về thời gian thực hiện thủ tục chấp thuận về môi trường

Câu hỏi 13: Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận về môi trường là 10 ngày làm việc, trong khi đó việc lấy ý kiến chuyên gia chưa quy định thời hạn cụ thể. Nếu áp dụng thời hạn xin ý kiến chuyên gia như quy định về thẩm định báo cáo ĐTM theo hình thức lấy ý kiến là 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thì cơ quan chuyên môn chỉ có 3 ngày để kiểm tra hồ sơ, tổng hợp ý kiến chuyên gia trình UBND tỉnh quyết định. Điều này là khó thực hiện. Trả lời: Theo thẩm quyền, cơ quan thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM có thể tự ban hành quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính nêu trên, trong đó có thời gian lấy ý kiến các chuyên gia; đảm bảo tổng thời gian xử lý thủ tục đáp ứng quy định tại Điều 16a Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và phù hợp với quy trình giải quyết thủ tục hành chính của các địa phương. Các địa phương có thể tham khảo quy trình này tại Quyết định số 2482/QĐ-BTNMT ngày 27/9/2019 của Bộ trưởng Bộ TN&MT để triển khai thực hiện.

3. Về khái niệm hạng mục của dự án

Câu hỏi 14: Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định “Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, việc không triển khai dự án trong thời hạn 24 tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật BVMT là việc chủ dự án không triển khai thực hiện hạng mục nào trong giai đoạn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng”. Đề nghị hướng dẫn rõ hơn khái niệm hạng mục của dự án. Trả lời: Theo biểu mẫu cấu trúc, nội dung báo cáo ĐTM, các hạng mục công trình của dự án khi thực hiện ĐTM, gồm: hạng mục công trình chính; hạng mục công trình phụ trợ; hạng mục công trình xử lý chất thải và BVMT. Các hạng mục này phải được nêu trong các thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền căn cứ các quy định nêu trên để xác định trường hợp dự án đầu tư xây dựng có phải lập lại báo cáo ĐTM theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

4. Về quy định việc lập báo cáo ĐTM đối với cơ sở không có thủ tục môi trường

Câu hỏi 15: Đề nghị hướng dẫn trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) “Đối với dự án, cơ sở có quy mô, công suất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình BVMT trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định”. Đối với các cơ sở đã đi vào hoạt động nhưng công trình BVMT đang vận hành ổn định, chủ dự án không thực hiện cải tạo, nâng cấp, bổ sung thì có được lập báo cáo ĐTM cho dự án sản xuất hiện hữu hay không; việc phê duyệt báo cáo ĐTM là cho toàn bộ dự án hay chỉ đối với công trình BVMT; dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình BVMT có phải lập riêng và theo thủ tục pháp luật về đầu tư không; thực hiện như thế nào; nội dung, cấu trúc thực hiện như nào; các mẫu vận hành thử nghiệm, kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT thực hiện thế nào? Trả lời: Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP là các dự án, cơ sở đã triển khai xây dựng hoặc đã đi vào hoạt động nhưng “trốn” lập các hồ sơ, thủ tục về môi trường trước khi triển khai thực hiện theo quy định. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định. Do các công trình BVMT của dự án, cơ sở này chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đánh giá, kiểm tra, xác nhận hoàn thành việc đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nhưng đã triển khai hoặc đi vào hoạt động, nên không có căn cứ để khẳng định các công trình này đang vận hành ổn định và không cần phải cải tạo, nâng cấp, xây dựng bổ sung. Để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch và BVMT, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định trình tự thực hiện đối với các đối tượng này theo hướng: chủ dự án phải rà soát lại sự phù hợp quy hoạch của dự án, cơ sở đã triển khai, trường hợp đáp ứng yêu cầu này thì phải lập dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình BVMT (dự án này bao gồm cả các hạng mục đã được triển khai, đưa vào vận hành) trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định. Trình tự, thủ tục thực hiện dự án nêu trên được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và BVMT. Câu hỏi 16: Đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa việc chủ dự án, cơ sở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BVMT với hồ sơ thẩm định báo cáo ĐTM, xác nhận KBM của đối tượng thuộc khoản 2 Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP. Trả lời: Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM đã được quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 8 Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT.

5. Về đối tượng đăng ký, thẩm quyền xác nhận KBM

Câu hỏi 17: Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) quy định đối tượng phải lập KBM gồm: “Dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án, phương án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, có phát sinh lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 500 m3/ngày (24 giờ) hoặc chất thải rắn từ 01 tấn/ngày (24 giờ) đến dưới 10 tấn/ngày (24 giờ) hoặc khí thải từ 5.000 m3 khí thải/giờ đến dưới 20.000 m3 khí thải/giờ (bao gồm cả cơ sở đang hoạt động và phần mở rộng) trừ các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại cột 3 Phụ lục II Mục I ban hành kèm theo Nghị định này”. Như vậy, đối với trường hợp dự án có chất thải chỉ phát sinh trong giai đoạn thi công xây dựng mà không phát sinh trong giai đoạn vận hành (như trường hợp xây dựng đường giao thông, đường dây truyền tải điện, trạm biến áp, …) với khối lượng đến mức nêu trên thì có phải đăng ký KBM không? Việc xác định lưu lượng xả thải đối với các dự án đang xây dựng và đã đi vào hoạt động được tính theo tiêu chuẩn thiết kế của ngành xây dựng hay theo lưu lượng nước thải phát sinh thực tế? Trả lời: Theo quy định, chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có biện pháp thu gom, quản lý, xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong quá trình triển khai xây dựng và quá trình hoạt động của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phải thể hiện đầy đủ nội dung này trong quá trình đăng ký KBM. Do vậy, đối với các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quá trình thi công xây dựng mà phát sinh chất thải đến mức phải đăng ký KBM thì vẫn phải thực hiện thủ tục này. Khối lượng chất thải được xác định trên cơ sở tính toán lượng phát sinh tối đa của chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Câu hỏi 18: Dự án theo quy định trước đây thuộc đối tượng lập báo cáo ĐTM nhưng theo quy định hiện nay chỉ tương đương với đối tượng phải đăng ký KBM hoặc ngược lại; trong quá trình thực hiện mà có sự thay đổi, điều chỉnh thì cơ quan nào sẽ có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, trách nhiệm pháp lý của chủ dự án là đối tượng thuộc ĐTM hay KBM. Các cơ sở trước đây đã được phê duyệt báo cáo ĐTM có thể lập hồ sơ điều chỉnh xuống cấp huyện quản lý được không (như trường hợp xây dựng siêu thị, khu thương mại, trung tâm thương mại, cơ sở lưu trú du lịch, khu dân cư); cơ sở này phải thực hiện quan trắc chất thải định kỳ với tần suất 03 tháng/lần hay 06 tháng/lần; trường hợp vi phạm thì xử phạt hành vi vi phạm theo đối tượng phải lập ĐTM hay đối tượng phải xác nhận KBM. Đề nghị hướng dẫn trường hợp dự án trước đây đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoặc Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo ĐTM, tuy nhiên hiện nay khi thực hiện dự án mở rộng, nâng công suất thì quy mô chỉ thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của UBND cấp tỉnh. Trả lời: Việc thay đổi một số đối tượng phải thực hiện ĐTM hoặc KBM theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP chỉ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019, không áp dụng đối với các trường hợp đã được phê duyệt ĐTM hoặc xác nhận KBM trước ngày 01/7/2019. Các hồ sơ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận thì vẫn có giá trị pháp lý buộc các chủ cơ sở thực hiện và là căn cứ để xác định trách nhiệm của chủ cơ sở đối với công tác BVMT, trong đó có việc thực hiện tần suất quan trắc môi trường định kỳ của cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 39 và khoản 1 Điều 47 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP; đồng thời là căn cứ để thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm có liên quan. Trường hợp có thay đổi, điều chỉnh thì chủ cơ sở lập dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới (thay thế cho dự án, phương án cũ) và được phê duyệt ĐTM hoặc xác nhận KBM theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, hồ sơ môi trường của dự án mới này sẽ thay thế hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận trước đây.

III. Về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án và xác nhận hoàn thành công trình BVMT

1. Về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án

Câu hỏi 19: Công trình xử lý chất thải phải vận hành thử nghiệm đưa ra trong Nghị định đang ở dạng định nghĩa, chưa có quy mô, tính chất, đặc tính kỹ thuật cụ thể; do đó, việc xác định các đối tượng vận hành thử nghiệm đang mang tính chủ quan của người xử lý hồ sơ. Nội dung này cần được chi tiết, cụ thể hóa hơn. Ví dụ: hồ sinh học, hồ lắng, hồ lắng nước mưa chảy tràn, giàn phun nước trong chế biến khoáng sản của khai thác mỏ có phải là công trình xử lý chất thải không? Bể tự hoại của công nhân khai thác mỏ (với công suất nhỏ) có phải vận hành thử nghiệm không? Với quy mô của bể tự hoại như thế nào thì phải vận hành thử nghiệm? Các cơ sở khai thác khoáng sản phi kim loại như đất, đá có phải lập hồ sơ xác nhận công trình BVMT hay không? Trả lời: Khoản 1 Điều 16b Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đã quy định: “Công trình xử lý chất thải của dự án phải được vận hành thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp và đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải là các công trình, thiết bị xử lý: nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại (sau đây gọi chung là công trình xử lý chất thải). Các công trình BVMT khác bao gồm: Các công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại; các công trình BVMT không phải là công trình xử lý chất thải không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm.” Các công trình xử lý chất thải, công trình BVMT khác phải được xác định cụ thể trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM để làm căn cứ xác định công trình có thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm hay không. Đối với một số công trình đặc thù như hồ lắng nước mưa chảy tràn, bể tự hoại nếu được xác định là công trình xử lý chất thải thì việc vận hành thử nghiệm được thực hiện như đối với trường hợp công trình xử lý nước thải có một công đoạn hoặc công trình, thiết bị xử lý hợp khối. Câu hỏi 20: Đối tượng vận hành thử nghiệm và đối tượng phải xác nhận hoàn thành là khác nhau. Có thể hiểu đối tượng phải lập hồ sơ xác nhận hoàn thành thì phải vận hành thử nghiệm; đối tượng phải vận hành thử nghiệm thì có thể không phải lập hồ sơ xác nhận hoàn thành? Dự án thuộc đối tượng ĐTM có công trình xử lý chất thải nhưng tại cột 4 ghi “không” thì có phải vận hành thử nghiệm không? Chủ dự án có phải báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm cho cơ quan quản lý nếu không thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Ví dụ, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng có hệ thống xử lý khí thải. Dự án ghi “thuộc đối tượng vận hành thử nghiệm” có phải thực hiện xác nhận hoàn thành công trình BVMT hay không? Đề nghị làm rõ các khái niệm ghi tại cột 4 Phụ lục II: “tất cả”, “thuộc đối tượng vận hành thử nghiệm”; “không”. Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật BVMT, chủ các dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định phải “báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình BVMT phục vụ vận hành dự án. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường”. Do vậy, chỉ những dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT trước khi đưa dự án vào vận hành. Theo quy định nêu trên, cột 4 Phụ lục II Mục I của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã xác định các nhóm đối tượng phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Một số trường hợp sau đây được hiểu như sau:
  • Nhóm dự án được ghi “tất cả”: tất cả các dự án này phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT.
  • Nhóm dự án được ghi “không”: các dự án này không phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Trường hợp các dự án có công trình xử lý chất thải thì vẫn phải vận hành thử nghiệm và gửi thông báo kết quả hoàn thành công trình BVMT cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi đưa dự án vào vận hành.
  • Nhóm dự án được ghi “thuộc đối tượng vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải”: các dự án này nếu có công trình xử lý chất thải thì phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Trường hợp không có công trình xử lý chất thải thì không phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải nhưng vẫn phải gửi thông báo kết quả hoàn thành công trình BVMT cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi đưa dự án vào vận hành.
Câu hỏi 21: Đối với trường hợp dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ (sản xuất, xử lý chất thải) của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động; dự án đầu tư mở rộng quy mô, thay đổi loại hình sản xuất của khu công nghiệp đang hoạt động và thuộc đối tượng phải lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Tuy nhiên, dự án khi chưa mở rộng trước đây đã được phê duyệt ĐTM và xác nhận hoàn thành công trình BVMT và trong báo cáo ĐTM của dự án mở rộng không có các công trình BVMT đã được xác nhận. Vậy, đối với các công trình BVMT đã được xác nhận thì chủ dự án có phải vận hành thử nghiệm lại để được xác nhận hoàn thành theo dự án mới hay không? Trả lời: Theo số thứ tự 105 Phụ lục II Mục 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ (sản xuất, xử lý chất thải) của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động; dự án đầu tư mở rộng quy mô, thay đổi loại hình sản xuất của khu công nghiệp đang hoạt động được coi là dự án mới và thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.

2. Về lấy mẫu trong quá trình vận hành thử nghiệm

Câu hỏi 22: Đối với các hệ thống xử lý nước thải/khí thải không có vị trí lấy mẫu đầu vào, đầu ra cho từng công đoạn (bể tự hoại/xử lý nước thải xây âm dưới mặt đất, công trình xử lý khí thải theo dạng module khép kín, hệ thống xử lý khí thải tích hợp kèm theo lò hơi…) thì việc đánh giá hiệu quả trong từng công đoạn được thực hiện như thế nào? Trả lời: Đối với một số công trình xử lý chất thải được thiết kế theo dạng module khép kín, thiết kế đi kèm với thiết bị sản xuất được coi là công trình xử lý chất thải có một công đoạn (công trình, thiết bị hợp khối hoặc thiết bị xử lý đồng bộ, nguyên chiếc). Việc vận hành thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của các công trình này được thực hiện theo quy định cụ thể tại Điều 10 Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT.

3. Về đối tượng xác nhận hoàn thành công trình BVMT

Câu hỏi 23: Đối với các trường hợp không thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP (không có công trình xử lý chất thải) nhưng thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, đã nộp hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành công trình BVMT trước ngày 01/7/2019 và đã được kiểm tra, hiện nay đang khắc phục công trình BVMT theo yêu cầu của đoàn kiểm tra thì có tiếp tục xác nhận hay không (như dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nguyên vật liệu xây dựng công suất 70.000 tấn/năm, không có công trình xử lý chất thải, đã nộp hồ sơ theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP nhưng không thuộc đối tượng xác nhận theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP)?. Trả lời: Đối với dự án thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP nhưng không thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và đã được cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra nhưng chưa cấp giấy xác nhận, chủ dự án có thể lựa chọn thực hiện theo 1 trong 2 phương án sau:
      - Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ;
  • Thông báo kết quả hoàn thành công trình BVMT cho cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi đưa dự án vào vận hành theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP).
Câu hỏi 24: Đối tượng phải xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP đã được phê duyệt báo cáo ĐTM, đang xây dựng hoặc đã đi vào hoạt động, nhưng theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP chỉ phải thực hiện KBM, tức là không thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành công trình BVMT (ví dụ, bệnh viện 70 giường bệnh thuộc đối tượng phải lập ĐTM theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP nhưng thuộc đối tượng lập KBM theo Nghị định 40/2015/NĐ-CP) thì có phải thực hiện thủ tục xác nhận hoàn thành công trình BVMT không. Trả lời: Đối với trường hợp đối tượng phải xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP đã được phê duyệt báo cáo ĐTM, đang xây dựng hoặc đã đi vào hoạt động, nhưng theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP chỉ thuộc đối tượng phải đăng ký KBM thì không phải thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Chủ dự án thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP: “Các dự án không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không phải thực hiện kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Chủ dự án phối hợp với tổ chức có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để quan trắc chất thải (nếu có), bảo đảm các nguồn chất thải trước khi thải ra môi trường phải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành”. Câu hỏi 25: Dự án đã được phê duyệt báo cáo ĐTM trước ngày 01/7/2019 theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP thì không thuộc đối tượng phải kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Tuy nhiên, theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP lại thuộc đối tượng phải kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình. Vậy, dự án có phải tiến hành thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT không khi hệ thống đã đi vào vận hành? Trả lời:
      Đối với đối tượng không phải thực hiện kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình phải vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP nhưng thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP thì chủ dự án/cơ sở phải chủ động rà soát lại các công trình xử lý chất thải đã xây lắp; nếu các công trình xử lý chất thải không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải đó và thực hiện theo trình tự quy định tại điểm c khoản 3 Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP).

3. Về thay đổi nội dung đã được xác nhận

Câu hỏi 26: Khoản 6 Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định “Trường hợp công trình BVMT có sự thay đổi thì chủ dự án phải lập lại hồ sơ x

Nguồn: cem.gov.vn